Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng làm việc tại TP Cần Thơ
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng làm việc tại TP Cần Thơ
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của TP Cần Thơ với tư cách là một địa bàn trọng điểm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra đối trọng phát triển để góp phần phát triển hài hòa khu vực phía Nam giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Với lợi thế này, TP Cần Thơ đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, xấp xỉ 13-14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Cần Thơ đã khẳng định là một đô thị dịch vụ hấp dẫn, có hướng đi vững, tạo ra động lực phát triển cho toàn vùng và khu vực lân cận, là nơi tiêu dùng, cung cấp sản phẩm của khu vực và vùng lân cận.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị của TP Cần Thơ đạt được kết quả quan trọng, nhờ sự coi trọng công tác quy hoạch, các quy hoạch chuyên ngành và đặc biệt là quy hoạch xây dựng.
Việc xác định được những dự án trọng điểm để đầu tư, là nhân tố quyết định thu hút đầu tư cho TP. Cần Thơ đã huy động được nhiều nguồn tài trợ cho các dự án như: Dự án Nâng cấp đô thị Đồng bằng sông Cửu Long, đang đàm phán Dự án Ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ngập và nhiều dự án khác do doanh nghiệp đầu tư. Điều này giúp TP tạo ra nhiều sản phẩm mới, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 65%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, TP Cần Thơ cũng có những thách thức không nhỏ khi gánh vác trách nhiệm là động lực của vùng. Sức hấp dẫn cao đã tạo ra tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng nhanh, từ đó gây áp lực về giao thông, dịch vụ, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục và đào tạo.
Hơn thế, TP Cần Thơ cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu, do đặc thù vị trí địa lý, trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm triển khai, sử dụng mọi nguồn lực cho biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.
Tiếp tục đẩy mạnh quản lý đầu tư xây dựng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng. Trước hết là cụ thể hóa quy hoạch chung sau khi đã rà soát, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, lựa chọn đầu tư hạ tầng phù hợp. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý quá trình đầu tư theo luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Cần Thơ tiếp tục xây dựng chương trình phát triển đô thị, kế hoạch hóa chương trình phát triển đô thị, trên cơ sở cân đối nguồn lực, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP để đầu tư, các dự án hạ tầng đầu mối, giao thông.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) tạo ra một trung tâm cấp nước cho vùng, với tổng giá trị khoảng 817 triệu USD, đặt tại Cần Thơ.
Bộ Xây dựng sẽ cùng với tỉnh Cần Thơ có ý kiến thống nhất về chương trình đầu tư phù hợp, xây dựng một đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ngập.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý: TP Cần Thơ thực hiện đổi mới công tác quản lý xây dựng, chịu trách nhiệm về sản phẩm của ngành xây dựng, chuyên nghiệp trong quản lý đầu tư xây dựng, làm thủ tục nhanh, thanh toán vốn nhanh, đảm bảo chất lượng công trình, làm dự án nhanh, thất thoát ít, không tham nhũng, nhũng nhiễu…
Tiết kiệm hơn 288 tỷ đồng ngân sách
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, TP đã triển khai Luật Xây dựng với một số nhiệm vụ trọng tâm như thành lập Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đầu tư các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN); xây dựng quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đầu tư các công trình sử dụng vốn NSNN…
Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng tiếp tục được tăng cường, nhất là các dự án sử dụng vốn NSNN. Việc thực hiện tiền kiểm thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình thông qua thẩm tra thiết kế đã đi vào nề nếp. Chất lượng thiết kế đã được nâng lên, đã cắt giảm và tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách, góp phần phòng chống lãng phí, phòng ngừa sai phạm, rủi ro trước khi triển khai thi công xây dựng công trình.
Năm 2014, tổng số công trình do Sở quản lý chuyên ngành thẩm tra là 222 công trình sử dụng vốn NSNN. Qua thẩm tra thiết kế, đã cắt giảm, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 288,7 tỷ đồng, khoảng 10,19%.
Trong quý I/2015, số công trình thẩm tra là 31 công trình sử dụng vốn NSNN, qua thẩm tra thiết kế đã cắt giảm, tiết kiệm cho NSNN khoảng 35 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,35%.
TP đang triển khai 08 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đúng hướng, đồng bộ.
Cần văn bản hướng dẫn áp dụng luật mới
Cũng theo lãnh đạo TP Cần Thơ, thời gian qua, TP Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý chất thải rắn, từ lựa chọn công nghệ xử lý, lựa chọn nhà đầu tư, quy mô đến tìm vị trí khu xử lý, đơn giá xử lý…
Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của Bộ Xây dựng, TP Cần Thơ từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc và đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt với công suất dự kiến 500 tấn/ngày vào cuối tháng 5/2015.
Tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng trên địa bàn TP còn chậm. Việc áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2015. Trong đó, nhà ở cho người có thu nhập thấp đang được Cty Hồng Loan triển khai với tổng mức đầu tư 68,6 tỷ đồng, gồm 288 căn hộ, đáp ứng chỗ ở của 1.000 người. Dự kiến trong quý II/2015, dự án sẽ hoàn tất.
Chương trình nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2015-2016, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Chương trình xây dựng khu nhà ở sinh viên đã xây xong và đưa vào sử dụng 04 dự án, với tổng số hơn 900 phòng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.300 sinh viên.
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đã xây dựng được hơn 7.200 căn hộ, chiếm hơn 60% tổng số căn hộ cần xây.
Chương trình nhà ở cho cụm tuyến dân cư vùng lũ đã hoàn thành tôn nền và xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho tổng số cả 03 dự án.
Chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng, đã hoàn thành giai đoạn I với tổng số hơn 450 căn nhà, tương ứng với số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.
Các bài viết khác
- Nhà đầu tư thứ cấp lặng lẽ rời bỏ thị trường (21.05.2015)